Mình chưa từng nghĩ đến chuyện ấy, nhưng đợt gần đây ngồi quan sát chú Hiếu – chú xe ôm cạnh nhà mình – thì mới thấy thế giới này rộng lớn như nào.
Nhà chú A chỉ có sơ sơ vài miếng đất, 3 cái nhà 4 tầng ở mặt đường và một tiệm giặt ủi nho nhỏ nữa. Và đây là những gì mình quan sát được trong 2 tháng qua.
1. Trải nghiệm khách hàng đỉnh cao
Trong nhà chú Hiếu có tới 4 cái mũ bảo hiểm giống nhau. Tối nào đi làm về, chú cũng ngồi ngoài sân giặt mũ của ngày hôm ấy. Xong hôm sau chú lấy 2 mũ còn lại mang đi làm. Bởi vậy nên mũ lúc nào cũng sạch, khách lúc nào cũng yên tâm, chẳng bao giờ sợ đầu có “chấy” luôn!
Ngoài ra, khi khách lên xe, chú còn dùng tay để gạt chỗ để chân cho khách nữa nhé! Thế nên, chị em phụ nữ quý chú lắm! Có một hội nữ sinh cấp 3 suốt ngày gọi chú bằng “Bố chồng” nữa cơ!
Cái mà mình ấn tượng hơn cả, đấy là chú có thể nhớ tên tất cả khách hàng của mình chỉ với 2-3 lần gặp. Chú còn đầu tư hẳn cái điện thoại Nokia đen trắng để lưu những khách hàng thân thiết lại nữa nhé! Đỉnh thật sự!
2. Không chỉ có một nguồn thu
Chú lái xe rất đông khách NHƯNG nó lại chẳng phải nguồn thu duy nhất của chú.
Cứ đến tầm giữa trưa, mình lại thấy chú không nhận khách nữa. Chú lái xe đến từng trường cấp 1,2,3 ở 4 huyện lân cận để thu tiền gì ấy. Ban đầu mình còn nghĩ chú Hiếu đi thu họ kiểu xã hội đen cơ! Nhưng thật ra, chú đi thu tiền xôi, bánh mì mọi người ạ!
Nghe mẹ mình kể, xưa có 1 đợt chú lai khách ra Hà Nội, thấy đâu đâu cũng có người ôm thúng xôi to đùng ngồi bán ở vỉa hè. Thế là chú mang về quê áp dụng luôn!
Ban đầu chú mở thí điểm ở trường tiểu học gần nhà. Trộm vía! Vợ chú nấu xôi ngon, đa dạng các loại xôi với cả rẻ nữa nên đông khách lắm! Mỗi sáng bán từ 6h00 đến 8h00 là hết sạch. Thế nên chú thuê luôn cái nhà cạnh trường học rồi bán thêm nước, thêm bánh mì pate, xúc xích,…
Một điểm thành công, chú thuê thêm người rồi mở bán thêm ở trường cấp 2, cấp 3 trong huyện xong nhân rộng sang 4 huyện lân cận nữa. Thế là chú giàu từ đó!
3. Chiến thuật giữ chân đối tác đỉnh cao
Bon bon được nửa năm thì mô hình kinh doanh của chú gặp biến cố, tí nữa thì toang.
Chuyện là, hàng xóm thấy chú buôn bán tốt quá nên ghen tị. Có người xui chủ nhà đuổi chú Hiếu đi để tự bán xôi giống như chú. Ban đầu chú chủ quan, thế là có cô kia huỷ hợp đồng, đền bù các thứ xong chiếm luôn cái điểm bán đắt khách nhất.
Chú Hiếu cay lắm nhưng cũng chẳng làm gì được vì mô hình này dễ bị sao chép.
Khoảng 2-3 tháng suy nghĩ, chú Hiếu quyết định chơi lớn. Chú chia lợi nhuận với tất cả các chủ nhà và cả người chú đang thuê để bán xôi luôn! Chú chẳng cần ai phải mua lại “cổ phần” mà cứ thế phát miễn phí cho họ luôn, thế mới đỉnh!
Từ đó trở đi, các cửa hàng của chú vận hành trơn chu, chẳng ai suy nghĩ đến việc “c.ư.ớ.p” miếng ăn trắng trợn như trước nữa!
Thậm chí, chú còn coi các chủ nhà, các nhân viên của mình như khách hàng thân thiết và chăm sóc họ chẳng khác gì những “khách đi xe ôm”. Chú viết tất cả ngày sinh của gia đình họ, con cái họ ra một quyển sổ rồi đến ngày, chú tặng quà cáp đàng hoàng luôn nữa đó!
Đấy! Hàng xóm nhà mình ngược đời thế đấy! Riêng cái tư duy tập trung vào trải nghiệm khách hàng, chú Hiếu đã hơn hẳn những người cùng thế hệ, thậm chí hơn cả chúng mình nữa! Bởi vậy, đừng bao giờ coi thường bất kỳ ai nhé!
Tác giả: Đ.Dương/Trường doanh nhân HBR