Mặc cho mọi người bảo là thầy giáo ‘lạ đời’, anh Vũ Thanh Tùng vẫn cứ thích làm điều mình muốn, miễn sao không ảnh hưởng đến ai mà còn giúp ích được nhiều người.
Anh Vũ Thanh Tùng, hiện là Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Cách Mạng Tháng 8 (Q. Tân Bình, TP.HCM). Anh có một niềm đam mê mãnh liệt với việc đạp xe xuyên Việt. Mấy năm gần đây, anh còn kết hợp vừa đạp xe khắp mọi miền đất nước vừa làm từ thiện. Bên cạnh đó, với phong cách độc lạ, sống tối giản đến hết mức có thể, nên anh Tùng hay được mọi người gọi là thầy giáo ‘lạ đời’.
Nội dung chính
Mọi người bảo hành xác nhưng với anh đó là trải nghiệm
Gặp anh Tùng trong hành trình tiếp nước ngọt bằng xe máy về miền Tây, lúc đó tôi đã rất bất ngờ khi nhìn thấy anh chất 4 can nước 30 lít lên chiếc xe máy 50 phân khối gần như đã “hết xí quách” từ TP.HCM về đến Tiền Giang.
Anh Tùng bắt đầu đạp xe từ năm 17 tuổi, lúc đó hành trình đầu tiên của anh từ TP.HCM đi Vũng Tàu. Sau hành trình đó, năm 2005, anh bắt đầu chuyến xuyên Việt đầu tiên bằng xe đạp.
Mọi người nói anh đi làm gì như vậy mà hành xác nhưng anh Tùng khẳng định: “Đi xe đạp có rất nhiều trải nghiệm. Đi trên con đường gồ ghề, sỏi đá thì ta mới thấy được những vất vả, khổ cực của người dân địa phương khi phải đi trên con đường đó hằng ngày. Hơn nữa, đi như thế này hưởng được cái nắng, cái gió, cảm nhận hết được bụi đường thì mới thấu được những vất vả của người công nhân làm đường. Rồi được hòa mình với thiên nhiên, được thử sức khi đến những nơi không có quán xá, nhà cửa thì mình phải cầm cự và tìm cách vượt qua như thế nào…”
Khác với những bạn trẻ đi xuyên Việt khác, hành trang của anh Tùng vô cùng giản đơn, vì anh muốn tối giản đến hết mức có thể. Anh đi không bản đồ, không la bàn, không đèn pin mặc dù đi xe đạp. Trong ba lô chỉ có 3, 4 bộ đồ và chiếc võng.
Khi hỏi có sợ bị lạc không khi không có bản đồ, la bàn…, anh Tùng cười tươi trả lời: “Mình đi để trải nghiệm mà, nếu lạc thì cũng là một trải nghiệm mới”.
Anh Tùng giải thích thêm: “Đi đường đêm mà không bóng đèn, mình vẫn sẽ thấy đường mà chạy, vì mắt mình sẽ điều tiết ánh sáng. Đi đường mặc dù không có đèn nhưng nhìn trên đường vẫn thấy mảng sáng và tối, nếu có vũng nước thì nó sẽ sáng lên, nếu có hố sâu hay ổ gà giữa đường thì nó sẽ chùng xuống và chỗ đó sẽ tối hơn. Thế là cứ thế mà đi thôi”.
Hành trình của anh lúc nào cũng giản đơn và “lạ đời”, anh chỉ mang theo chiếc võng, đạp xe đến tầm 11 giờ đêm là anh mắc võng dọc đường và ngủ. Nhưng anh hay đùa vui là mình đi du lịch hạng…xịn, vì tối nào cũng ngủ khách sạn ngàn sao.
Trải nghiệm nhưng cũng phải có ích cho đời
Là một người rất lạc quan và vui tính, nên suốt hành trình đi, mỗi ngày anh đều viết nhật ký để lưu lại dấu ấn cho những chặng đường đã qua và trang nhật ký nào cũng pha những câu từ rất hài hước. Có đoạn anh còn làm thơ:
“Xưa! Hành quân bộ vừa đi vừa đánh
Bắc vào Nam 3 tháng có dư
Nay! Bằng xe đạp từ Nam ra Bắc
Ngày 25 mà vẫn chưa tới mô”
Chưa tới mô bởi vì anh vừa đi vừa trải nghiệm, đi đến đâu với anh cũng là cơ hội để được tìm hiểu và khám phá thêm nhiều điều mới lạ. Thường nếu các bạn trẻ đi xuyên Việt bằng xe đạp hay xe máy thì chỉ chọn đi một vòng, vòng về thường đón xe hoặc đi máy bay . Còn anh Tùng cũng vì “lạ đời” nên anh đạp luôn cả vòng về vì anh muốn trải nghiệm cho hết.
Những năm về sau, khi nhận thấy nếu cứ đạp xe đi và chỉ để trải nghiệm như vậy thì cũng phí, anh Tùng bắt đầu đi quyên góp để mua cặp sách, tập vở và buộc đằng sau chiếc xe đạp “thần thánh” của mình. Chuyến gần nhất là hè năm 2019, anh đã đạp xe từ TP.HCM ra đến Quảng Trị. Lần đó anh Tùng quyên góp được 200 cặp sách. Một phần anh chở theo xe đạp, một phần gửi theo xe khách từng chặng Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế. Cứ dọc đường đi, thấy nơi nào người dân có hoàn cảnh khó khăn, anh sẽ tặng cho con em của họ để có cặp sách mới đến trường.
“Món quà dù không lớn, nhưng nhận được cặp sách mới, các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa rất vui mừng. Tụi nhỏ vui, người dân vui là tự dưng mình thấy hành trình của mình càng thêm ý nghĩa”, anh Tùng chia sẻ.
“Lạ đời” thì có làm sao?
Vì là một thầy giáo, phụ trách hoạt động Đội của trường nên những chuyến đi là cơ hội để anh tìm hiểu và khám phá thực tế những địa điểm, di tích lịch sử, nét văn hóa dân gian…và lấy đó làm tư liệu để những bài học về lịch sử của học sinh thêm phần trực quan hơn. Nên những cuốn sổ tay đội viên do anh biên soạn cho học sinh lúc nào cũng sinh động và thú vị bằng chính những trải nghiệm của anh.
“Khi đi như vậy mình sẽ sưu tầm thêm những tư liệu. Chẳng hạn như khi mình muốn giới thiệu về nghệ thuật Đờn ca tài tử thì ngoài nguồn tư liệu có sẵn, mình có thêm những hình ảnh do mình tự chụp như tượng của ông Cao Văn Lầu (cha đẻ của Đờn ca tài từ Nam Bộ) tại đền thờ ở Bạc Liêu và khi đến đây trực tiếp thì mình còn sưu tầm được bản gốc của dạ cổ hoài lang. Hoặc có những cái tìm trên mạng rất khó nhưng trên đường mình đi lại vô tình được gặp. Như Miếu Xà là nơi mà Nguyễn Huệ làm lễ tuyên thệ xuất quân để đánh chúa Nguyễn khởi nghĩa Tây Sơn, mình cũng chụp được hình và về giới thiệu cho học sinh…”, anh Tùng kể.
Điểm đặc biệt ở anh Tùng là anh chọn cách sống tiết kiệm nhất có thể. Chiếc xe 50 phân khối gần “hết xí quách” của anh là sau chuyến đi xuyên Việt đầu tiên năm 2005 về thì anh được thầy hiệu trưởng tặng. Đến giờ đã 15 năm nhưng anh vẫn tự tin nói: “Con trâu này chạy vẫn tốt, việc gì phải thay. Mà thay xe mới lại tốn công giữ chứ cũ cũ thế này lại khỏi lo mất”. Rồi chiếc ba lô đã sờn hết quai và nhuốm màu thời gian nhưng anh vẫn bảo: “còn xài tốt chán mà”. Hay dù thời tiết TP.HCM rất nắng nóng nhưng anh chưa bao giờ xài quạt hay điều hòa, anh chỉ thích mở cửa và hưởng gió trời…
Dù cho mọi người có bảo anh là thầy giáo “lạ đời”, nhưng với anh “lạ đời” thì có làm sao. “Không ai giống mình cả thì đừng yêu cầu là mình giống người ta, mà cái mình giống người ta chưa chắc đã là tốt. Mình cứ sống sao để thấy nhẹ nhàng, thoải mái là được và miễn sao cuộc sống của mình không ảnh hưởng đến ai, còn ai nói gì cũng không sao”, thầy giáo ‘lạ đời’ trải lòng.
Nguồn: thanhnien.vn
- Trường Sơn huyền thoại ngày trở lại 04.2021: Hành trình đạp xe trên cung đường Trường Sơn ( HCM- Đà Nẵng) Ngày 03
- Bí kíp chọn quần xe đạp chất lượng như các VĐV chuyên nghiệp.
- Trầm cảm là gì?
- Cách xem chỉ tay nam giới đơn giản, chính xác năm 2023
- 8 mẹo để đạp xe lên dốc nhanh và dễ dàng hơn mà bạn không thể không biết!