1. Nụ cười
Đây là một quy tắc đơn giản. Nụ cười khiến não của bạn tiết ra chất endorphin giúp bạn cảm thấy vui vẻ. Và tiếp đó, nụ cười có khả năng lây lan sang những người xung quanh.
“Mọi người thường tập trung đọc ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện nét mặt của bạn nhiều hơn là nghe lời bạn nói”, Lederman cho biết. “Chính vì vậy, nụ cười có thể khiến người khác cởi mở và thoải mái hơn.”
Tuy nhiên, Tim Sander, tác giả quyển “The Likeability Factor” (Yếu tố thu hút) cho biết bạn không nên lúc nào cũng cười khi gặp người khác. Nụ cười nên có mặt đúng nơi đúng lúc. Bạn nên biết nở nụ cười đáp lại với những ai đang mỉm cười với mình.
“Khi bạn đáp trả bằng một nụ cười, bạn đang pha trộn sự thân thiện và tính thành thực với nhau. Thông thường, khi không mong đợi ai đó cười với mình hoặc là không quen biết họ, chúng ta sẽ nhìn đi chỗ khác. Khi bạn nhìn ai đó và mỉm cười, có nghĩa bạn đang nói với họ rằng ‘Tôi cũng thích bạn’ và điều này tạo dựng nhiều sự cảm mến.”
2. Để ý ngôn ngữ cơ thể của bản thân
Con người suy cho cùng cũng chỉ là loài động vật khoác lên mình những bộ quần áo hào nhoáng. Đó là lý do tại sao bên cạnh nụ cười, bạn có thể sử dụng những tín hiệu khác để người khác nhìn vào và biết rằng bạn không phải là một mối đe dọa, như nhướng lông mày hay ngả đầu sang một bên. Theo bản năng sinh học, hành động ngả đầu cho người khác thấy mạch máu quan trọng nơi cổ bạn, nghĩa là bạn ngầm thể hiện sự tin tưởng với người đó. Chuyện này nghe có vẻ hơi lạ thường, đúng không?
Schafer cho biết: “Não chúng ta luôn tìm kiếm những đe dọa trong môi trường xung quanh. Chúng ta có nhiều giao tiếp không lời. Khi não nắm bắt được những tín hiệu thân thiện thì nó mới có thể tập trung vào những thứ khác. Việc học về những tín hiệu như vậy rất quan trọng để chúng ta có thể sử dụng chúng một cách thích hợp.”
Trong những tình huống căng thẳng như là phỏng vấn xin việc hoặc là gặp gỡ khách hàng, tâm lý của bạn dễ bị rơi vào trạng thái muốn đối đầu. Điều này khiến cho bạn có xu hướng phòng thủ và khép kín. Đây là lúc bạn nên chủ động sử dụng những tín hiệu cơ thể một cách cùng với nụ cười để vượt qua trạng thái căng thẳng này.
3. Tạo cảm giác thoải mái
Schafer cho biết “Nếu bạn muốn người khác thích mình thì trước hết hãy khiến những người đó cảm thấy thoải mái về chính bản thân họ. Chúng ta phải từ bỏ sự tập trung vào bản thân mình, và dành điều đó cho người đối diện.”
Và có rất nhiều cách để thực hiện điều này. Lederman cho rằng: “Nhận được sự công nhận, một lời cảm ơn, nhìn thẳng vào mắt nhau khi giao tiếp, một lời khen, hay xin ý kiến… đều khiến người ta cảm thấy bản thân mình có giá trị.”
Trong những cuộc giao tiếp, hãy tạo nên những câu nói mang lại giá trị thấu cảm (empathy). Ví dụ, nếu ai đó trông hạnh phúc, hãy nói những câu đại loại như: “Có vẻ như hôm nay anh có một ngày tốt lành nhỉ.” Nếu người đó đáp lại: “Vâng, tôi vừa ký được một hợp đồng giá trị.” thì bạn hãy nói tiếp: “Anh chắc đã làm việc rất nhiều để có được nó.” Anh ấy hẳn sẽ bước đi trong niềm vui sướng và điều này khiến cho cảm xúc của họ cũng sẽ được phản chiếu lên bạn. Tuy nhiên hãy tránh sử dụng những lời nịnh hót một cách trực tiếp, điều đó sẽ phản tác dụng đấy.
4. Làm cho người khác cảm thấy được tôn trọng
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Bill Clinton, Oprah Winfry và Ellen DeGeneres lại được nhiều người quý mến? Vì họ có thể khiến người khác cảm thấy như mình là người quan trọng nhất thế giới trong suốt cuộc trò chuyện.
Có vài bài học đơn giản bạn có thể tiếp thu từ họ. Sanders khuyên: “Hãy để lại điện thoại của mình ở trên bàn làm việc. Nếu bạn có một buổi gặp mặt với ai đó, hãy tắt điện thoại và lật ngang nó lại, đừng để lộ ra màn hình. Hãy nhìn thẳng vào mắt người đối diện và luôn tỏ ra nghiêm túc trong toàn bộ cuộc trò chuyện. Nếu bạn đang dùng bữa trưa, đừng để ý đến bất cứ người nào khác xung quanh ngoại trừ người bồi bàn”.
Thậm chí, hãy để tâm đến những tiểu tiết như ly của bạn được đặt ở đâu. Nếu những chiếc ly đó được đặt giữa bạn và người khác, nó sẽ trở thành một rào chắn. Hãy chắc chắn rằng chúng được đặt ở góc nào đó trên bàn.
5. Biết thể hiện thái độ lắng nghe
Hãy luôn nhớ, mọi người đều thích nói về bản thân họ. Một khi họ cảm thấy thoải mái trong lòng, họ sẽ có thiện cảm với bạn.
Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi về những đam mê của người đối diện, về những điều mà họ đang thực hiện hoặc rất hứng thú. Hãy lắng nghe cho đến khi họ hết nói nổi về đam mê của mình. Thông thường, điều này kéo dài khoảng 5 phút, nhưng đó sẽ là 5 phút tuyệt vời nhất của cuộc trò chuyện.
Bạn cũng nên suy nghĩ thận trọng về việc nên đặt ra những câu hỏi tiếp nối như thế nào. Lederman khuyên “Hãy đặt những câu hỏi có kết thúc mở, điều này thể hiện bạn thật sự hứng thú về câu trả lời. Từ đó, bạn có thể lắng nghe và đặt những câu hỏi bổ sung, thăm dò sâu xa hơn một chút. Tránh kiểu hỏi như thẩm vấn, mà chỉ nên lắng nghe và chia sẻ. Tương tự, khi bản thân bạn chia sẻ về chủ đề tương tự, hãy cho người khác thấy một sự kết nối, tin cậy, tương đồng. Mọi người đều thích những người giống họ.”
Tìm kiếm nền tảng tương đồng cũng là một kỹ thuật kinh điển trong việc xây dựng mối quan hệ. Bạn có thể làm điều này bằng cách xác định điểm tương đồng có giữa bạn với người khác, xây dựng mối quan hệ lớn dần theo thời gian, hay thông qua quan hệ với một người thứ ba.
6. Chịu khó dành ra thời gian để có mặt
Mọi người thường có xu hướng thích những người hay xuất hiện quanh họ, như là đồng nghiệp, hàng xóm hoặc là người tập gym chung.
Nhà tâm lý học Tsaousides cho biết: “Để trở thành một người quen thuộc, hãy chịu khó thường xuyên có mặt.” Hãy dành ra thời gian để có mặt thường xuyên bên người mà bạn muốn làm thân, nhưng đừng đi quá đà nếu không muốn trở thành một kẻ rình mò (stalker). Một số cách mà Tsaousides khuyên là hay lui tới tại cùng một quán cafe, gửi email hoặc bình luận lên trang mạng xã hội của người kia: “Điều này nhắc khéo rằng bạn đang nghĩ về họ.”
7. Làm theo triết lý “cho và nhận”
Đây là một quy tắc mà Lederman cho rằng sẽ cải thiện mọi kết quả. Khi gặp bất kỳ ai, hãy luôn nghĩ làm cách nào để giúp người đó. Việc này có thể sẽ không được đáp trả ngay lập tức, nhưng có tính tạo sóng khá lớn.
Theo Lederman thì: “Để thực hành điều này, bạn phải nghĩ làm thế nào để tạo thêm giá trị cho những người khác. Khi bạn đang ở trong một tình huống làm ăn, thay vì nghĩ: ‘Làm cách nào để tôi có thể đạt được thỏa thuận và tôi cần những gì từ người này?’ thì bạn nên tập chuyển hướng suy nghĩ thành ‘Tôi cần làm gì để tạo thêm giá trị cho họ?’”.
Sanders có một cách đơn giản để thực hiện được mục tiêu này: Trong mỗi cuộc trò chuyện, bạn nên cố gắng đưa ra một lời khuyên nho nhỏ. Điều này sẽ khiến bạn khác biệt so với người khác, và khiến người đối diện có cảm tình hơn với bạn.
Lederman khuyên thêm: “Khi bạn gửi đi một thông điệp đến ai đó rằng: ‘Tôi quan tâm và tôi muốn giúp bạn’, có nghĩa là bạn muốn nói với họ rằng ‘tôi là người xứng đáng để bạn tiếp tục duy trì mối quan hệ này’”.
8. Tiếp thu và ghi nhận ý kiến của người khác
Bạn không nhất thiết phải đồng ý với tất cả mọi người, nhưng tốt hơn bạn nên chịu khó làm cho mọi người đều cảm thấy rằng đang được lắng nghe. Hãy xem cảm xúc của họ như là sự thật. Ví dụ, nếu một khách hàng phàn nàn, hãy xem xét phản hồi của họ một cách nghiêm túc và cho họ biết rằng sự việc này sẽ được thảo luận trong nội bộ công ty bạn.
Theo Sanders, “Các nhà tâm lý học cho rằng khi bạn ghi nhận cảm xúc của người khác và truyền lại thông điệp: ‘Tôi rất lấy làm tiếc, tôi đã không biết bạn cảm thấy như thế nào’, thì đó là lúc bạn đã mang lại họ một hiệu ứng tâm lý vô cùng mạnh mẽ, đó là sự công nhận. Điều đó có nghĩa rằng bạn thừa nhận họ không đơn độc hay ngớ ngẩn khi suy nghĩ theo cách họ đang nghĩ”.
Lederman nói thêm: “Việc được ghi nhận ý kiến thật sự rất có ý nghĩa. Dù bạn có đồng ý với ý kiến đó hay không thì nó vẫn có một sự tác động nhất định lên tâm lý người đối diện”.