Theo những gì tôi còn nhớ được thì đó là chiếc xe đạp địa hình màu đỏ rất đẹp – đẹp nhất trong số những chiếc xe đạp mà cặp mắt trẻ thơ từng nhìn thấy ở thời điểm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.
Gần đây giá xăng có chiều hướng tăng và liên tiếp lập những đỉnh cao mới khiến số tiền phải chi ra cho việc đổ xăng hàng tháng của tôi cũng lớn theo. Cách đây mấy hôm tôi có thấy mọi người bàn tán về trường hợp một người phụ nữ đã chuyển sang đi làm bằng xe đạp từ 4 năm nay, cộng thêm với kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ của tôi cho thấy “tăng cân, béo phì, máu nhiễm mỡ” đã đến ngưỡng “đáng báo động” nên tôi đã quyết định phải sắm cho mình một chiếc xe đạp để làm phương tiện đi lại.
Tôi hy vọng rằng việc mua xe sẽ như một mũi tên mà bắn trúng nhiều đích: vừa tiết kiệm tiền xăng, vừa giúp giảm cân và nâng cao sức khỏe.
Tuổi thơ dữ dội…
Lần gần nhất mà tôi từng mong muốn sở hữu một chiếc xe đạp có lẽ là khoảng 25 năm về trước. Nếu tôi nhớ không nhầm thì mùa hè năm 1997 gần như mọi đứa trẻ đều phát cuồng vì trò chơi “ghép xe trúng thưởng” của hãng nước ngọt Coca-Cola.
Luật chơi rất đơn giản để bất cứ ai cũng có thể tham gia: dưới lớp lót cao su màu trắng của mỗi nắp chai Coca-Cola đều có in hình một bộ phận của xe đạp như ghi đông, lốp xe, chắn bùn…. Chỉ cần sưu tầm và ghép đầy đủ lại thành hình một chiếc xe thì sẽ trúng giải thưởng là chiếc xe đạp thực sự.
Theo những gì tôi còn nhớ được thì đó là chiếc xe đạp địa hình màu đỏ rất đẹp – đẹp nhất trong số những chiếc xe đạp mà cặp mắt trẻ thơ từng nhìn thấy ở thời điểm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Hình ảnh chiếc xe đạp đỏ xuất hiện khắp nơi: trên tivi trong những quảng cáo giữa giờ chiếu hoạt hình hay phim thiếu nhi, trên các tờ rơi sặc sỡ sắc màu tại các tiệm tạp hóa… và theo chúng tôi vào cả trong những giấc mơ.
Có lẽ bất cứ đứa trẻ nào khi đó cũng muốn sở hữu món quà đẹp đẽ ấy, và thứ mà chúng tôi thích nhất khi đi ăn cỗ là được tranh nhau bật nắp những chai Coca-Cola chỉ để cạy miếng lót màu trắng ra xem bên dưới in hình gì. Những đứa trẻ nào siêng năng “cóp nhặt” nhất thì thường sẽ có được phần lớn các bộ phận của chiếc xe, chỉ trừ mỗi một chi tiết là cái yên xe.
Hồi đó tôi cũng như bao đứa trẻ khác vẫn miệt mài, say mê sưu tầm nắp chai – thậm chí là lục cả thùng rác. Chiến dịch này sau đó bị báo chí chỉ trích vì khiến người lớn thì tốn tiền, còn trẻ em thì tốn thời gian để tìm kiếm đủ bộ nắp chai bởi cái nắp “số 4” hình yên xe đã trở thành “truyền thuyết đô thị” vì gần như không ai tìm nổi.
Phải mãi cho đến khi lớn lên thì tôi mới hiểu rằng đây là chiêu trò marketing bá đạo của Coca-Cola. Nó tạo cho chúng ta cảm giác “sắp chiến thắng”, lúc nào cũng chỉ cách đích có một chút và cần nỗ lực thêm tí tẹo nữa là sẽ thành công! Chẳng thế mà Coca-Cola trở thành đồ uống thịnh hành bậc nhất của trẻ con thời đó, thay cho mọi loại nước giải khát và các loại quà vặt khác.
Sau khi chiến dịch quảng cáo kết thúc mà vẫn chưa tìm được cái nắp hình yên xe, tôi kì cạch đòi bố mẹ mua cho mình một chiếc xe đạp giống như vậy. Hồi đó tôi chẳng biết hoàn cảnh gia đình mình không hề dư dả nên cứ đòi hỏi dai dẳng, khóc lóc ăn vạ làm khổ bố mẹ. Đến giờ nghĩ lại nhiều lúc vẫn còn thấy xấu hổ!
Sau một tuần khảo sát, bằng những kiến thức học hỏi từ YouTube thì tôi đã chọn cho mình được mẫu xe ưng ý. Khi tới cửa hàng bán xe thì tôi lại được dịp “sốc” tập 2 vì những gì mình nhìn thấy: Trong căn nhà trên đường 85 Hà Tông Quyền, Cẩm Lệ,Tp.Đà Nẵng chất đầy xe đạp đủ loại, đủ màu sắc và thương hiệu.
Cửa hàng này tất cả mọi không gian đều được tận dụng để treo xe, thậm chí lối đi giữa các phòng cũng được gắn khung sắt và gá xe đạp lên. Ngoại trừ trong nhà vệ sinh ra thì tôi thấy chỗ nào cũng có xe đạp – kể cả phòng ngủ.
Trong gần 2 tiếng đồng hồ ngắm xe, chờ anh thợ lắp xe cho khách thì tôi đếm được khoảng gần chục người tới mua xe. Người thì để đi làm, người muốn dùng để tập thể thao, người thì mua xe cho con…
Về mẫu mã, công nghệ thì đa dạng khỏi phải bàn nhưng tôi lại là khách hàng hơi khó tính nên lựa khắt khe một xí và sau vài giờ tôi cũng đã lựa được em ưng ý