Mục đích của việc sử dụng bộ truyền động (bộ đề) là nhằm giúp bạn tối ưu được hiệu suất lực đạp và có tốc độ cao hơn.
Khi bạn chọn chuyển sang líp hay dĩa nào đó, về cơ bản là bạn đang chọn mức độ cố gắng, hoặc mức lực mà bạn muốn bỏ ra trong mỗi tua chân. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu được cách dùng bộ đề xe đạp hiệu quả hơn. Để từ đó, giúp bạn cải thiện nhiều yếu tố, từ cảm giác lái, tốc độ, ổn định nhịp thở, tăng độ bền phụ tùng và quan trọng nhất, là giúp bạn đi nhanh hơn, xa hơn, vui vẻ hơn.
Nội dung chính
Cấu tạo bộ truyền động xe đạp
Trên một xe đạp nhiều tốc độ phổ thông, bộ truyền động sẽ bao gồm các thành phần sau:
- Bộ đùi đĩa: Đây là phụ tùng kết nối trực tiếp tới bàn đạp, giúp chuyển lực và chuyển động quay từ bàn đạp đến dây xích, ổ líp sau và bánh sau. Cấu tạo của bộ giò đạp bao gồm một tay quay, bộ đĩa và một trục giữa để kết nối hai bên tay quay.
- Ổ líp: Ổ líp được cấu tạo từ tổ hợp nhiều nhông líp nhỏ xếp chồng lên nhau, được gắn lên đùm ở trung tâm bánh sau.
- Xích: Kết nối, dẫn động & truyền lực từ bộ đùi đĩa phía trước, đến bộ ổ líp phía sau, và cuối cùng, làm quay bánh sau, đẩy xe tới phía trước.
- Bộ đề: Bao gồm gạt đĩa và củ đề; hoặc chỉ có củ đề, trên các hệ thống truyền động một đĩa. Đóng vai trò dịch chuyển xích lên xuống giữa các nhông trong bộ ổ líp hoặc giữa các đĩa trên bộ đĩa trước.
- Tay đề: Dùng đề điều khiển hoạt động của bộ đề thông qua dây cáp đề. Trên hầu hết các dòng xe phổ thông, tay đề bên phải sẽ điều khiển củ đề, và tay đề bên trái điều khiển gạt đĩa.
Cách sử dụng bộ đề (bộ chuyển tốc – sang số) trên xe đạp
Những bước dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng bộ đề trên các dòng xe đạp phổ thông, với đĩa trước từ 2 đến 3 dĩa. Nếu xe bạn chỉ có một đĩa trước, hãy bỏ qua bước 1.
- Sử dụng tay đề bên trái để dịch chuyển sên qua lại giữa các đĩa trước: Nếu muốn đạp nhẹ hơn, đặc biệt là khi cần leo dốc, hãy chuyển sên về đĩa nhỏ hơn ở bên trong. Nếu muốn đạp nặng hơn (và nhanh hơn), hãy chuyển sên lên dĩa lớn hơn ở phía ngoài.
- Sử dụng tay đề bên phải đề dịch chuyển sên qua lại giữa các líp sau: Khi càng lên dốc cao, bạn sẽ càng cần phải chuyển sên lên líp lớn hơn (to hơn, nhiều răng hơn và giúp đạp nhẹ hơn). Khi đổ dốc hoặc cần tăng tốc dần dần trên đường phẳng, bạn hãy chuyển sên về dần phía líp nhỏ (ở phía ngoài, ít răng hơn nhưng đạp nặng & nhanh hơn).
Bạn có thể cảm thấy việc phải ghi nhớ và phối hợp giữa đề trước và sau này thật rắc rối & khó hiểu. Tuy nhiên, đừng nản chí, hầu như ai mới đến với xe đạp cũng cảm thấy mới lạ với các thao tác này. Chỉ cần bạn thực hành một thời gian ngắn, khoảng 1-2 ngày là các cơ bắp & ý thức sẽ bắt đầu dần quen với việc điều khiển, lúc đó, bạn sẽ không cần phải cố gắng “nhớ” nữa.
Mẹo để chuyển tốc – sang số đúng cách
Những mẹo sau ứng dụng cho hầu hết mọi dòng xe:
- Quan sát trước địa hình: Hãy chuyển tốc trước khi bạn bắt đầu vào dốc, chứ không phải là đang lên giữa dốc rồi mới chuyển. Nếu buộc phải chuyển tốc ngay giữa dốc, hãy chỉ chuyển mỗi bước líp một lần, và nên nhớ, nương nhẹ lực chân mỗi khi chuyển líp. Nếu bạn nghe thấy tiếng lạo xạo lớn từ bộ đề, khả năng là bạn đang vừa chuyển tốc mà vẫn vừa nhấn mạnh bàn đạp. Điều này rất không tốt. Chúng sẽ gây ảnh hưởng đến độ bền bộ truyền động, dễ hư hỏng và có thể dẫn đến đứt sên. Trên địa hình phẳng hoặc những đoạn đổ dốc, bạn có thể chuyển nhiều líp một lần.
- Khi không rõ nên chọn cỡ líp nào, hãy chọn cỡ khiến bạn đạp nhẹ hơn: Đạp nặng sẽ giúp đi nhanh hơn, nhưng đồng thời chúng cũng vắt kiệt sức của bạn nhanh hơn, và tạo nên áp lực lên khớp gối lớn hơn. Hãy chọn cỡ líp giúp bạn đạp nhẹ và với guồng chân nhanh hơn nếu có thể.
Những mẹo sau áp dụng trên các dòng xe với 2 hoặc 3 đĩa trước:
- Chỉ chuyển 1 dĩa một lần: Để đơn giản hoá quá trình chuyển tốc và hạn chế sự căng sên quá mức, đừng chuyển cả líp và dĩa cùng một lần. Hãy nhớ: Nếu cần chuyển nhanh từ cảm giác đạp nặng sang đạp nhẹ, hoặc ngược lại, hãy dùng dĩa trước. Còn nếu cần chuyển từng bước mượt mà, hãy dùng líp sau.
- Tránh tình trạng chéo sên: Chọn sai vị trí líp-dĩa sẽ tạo nên áp lực rất lớn trên toàn bộ truyền động. Từ đó sẽ dẫn đến hiệu quả truyền động thấp, dễ hư hỏng & giảm tuổi thọ phụ tùng. Hãy luôn tránh tình trạng chéo sên bằng cách chỉ sử dụng những líp gần tương ứng, hoặc thẳng hàng với đĩa trước (khi nhìn từ trên xuống).
Bảo dưỡng bộ truyền động
Cuối cùng, để tối ưu tuổi thọ & hiệu suất sử dụng của bộ truyền động, hãy luôn chăm sóc chúng thường xuyên. Vệ sinh sau mỗi lần đi mưa hoặc bùn lầy, tra nhớt thường xuyên, kiểm tra độ giãn (chùng) sên vài tháng một lần, tăng cáp đề nếu cần thiết,… Việc bảo dưỡng định kỳ xe sẽ giúp bạn hạn chế chi phí hơn để thật lâu rồi mới bảo dưỡng một lần.
Giờ bạn đã nắm được những nguyên tắc cơ bản để sử dụng bộ truyền động xe đạp rồi. Chúc bạn có những chuyến đạp xe vui vẻ!
Sưu tầm: Califonia
Xem thêm:
- Cụ ông về hưu đam mê đạp xe, leo đèo giảm bệnh tuổi già
- Thủ tục khai báo Y tế Đà Nẵng Quét mã QR khai báo y tế tại chốt kiểm soát, mở rộng vùng xanh
- 10 lợi ích của việc đạp xe mỗi ngày bạn sẽ ước gì mình biết sớm hơn | Đap Xe 360
- Cha mẹ cần làm gì để chuẩn bị tâm lí cho trẻ trở lại trường học?
- Tập vật lý trị liệu bằng phương pháp đạp xe đạp