Kể chuyện là cách thuyết phục hữu hiệu nhất mà không cần phải nỗ lực thuyết phục

Não chúng ta thường ghi nhớ rất tốt những câu chuyện (đặc biệt là khi nó hài hước hoặc khiến chúng ta bất ngờ), đồng thời chúng ta sẽ quan sát thấy những phản ứng thể chất khi được nghe những câu chuyện (mở to mắt, cảm thấy sởn gai ốc hay lạnh sống lưng…). Vì những câu chuyện khiến não của người kể và người nghe nhanh chóng kết nối và đồng bộ với nhau.

Không những thế, những điều này xảy ra trong tâm trí người nghe có tác động đáng kể: các chất hóa học thần kinh, oxytocin và dopamine được giải phóng. Những hormone này đóng vai trò liên kết xã hội. Nó được sản sinh khi người ta nghe được một câu chuyện hay và cảm thấy đồng cảm. Đổi lại, sự đồng cảm này sẽ khiến người nghe sẵn sàng hành động và thúc đẩy sự hợp tác tự nguyện hơn.

Đồng thời, những câu chuyện cũng là cách thuyết phục khách hàng trong việc doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, marketing bằng câu chuyện là một cách tối ưu chi phí nhưng lại vô cùng hiệu quả. Ai đó đã nói rằng: “Facts tell stories sell” (tạm dịch: dữ kiện dùng để nói, còn câu chuyện dùng để bán hàng). Có thể hình dung như thế này:

Đây là “fact”: Chúng tôi cung cấp dịch vụ thiết kế và thi công nội thất trọn gói tại Bình Dương.

Đây là “story”: Công ty chúng tôi thấu hiểu những trở ngại khi khách hàng phải tự tìm kiếm một đơn vị thiết kế và thi công nội thất trọn gói. Vì vậy, chúng tôi luôn rất tâm huyết và nỗ lực để đồng hành và hỗ trợ khách hàng một cách chu đáo nhất. Không những thế, công ty chúng tôi luôn hướng tới sự cá nhân hóa và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Bằng việc chăm chút cho không gian sống, chúng tôi truyền cảm hứng cho bạn sống một cuộc đời hạnh phúc!

Cách kể một câu chuyện truyền cảm hứng

Để những câu chuyện của bạn có giá trị và phát huy hết tác dụng của nó, bạn cần kể những câu chuyện chân thật, tạo ra cảm xúc và truyền được cảm hứng cho người nghe, giúp họ có được những thay đổi (tích cực). Đặc biệt, những câu chuyện sẽ khơi gợi sự tò mò và tạo được dấu ấn hơn khi kết hợp được yếu tố bất ngờ và hài hước.

Kể chuyện là một kỹ thuật đòi hỏi sự rèn luyện và không ngừng trau dồi vốn sống cá nhân, vì vậy cách để tạo nên một câu chuyện hay phụ thuộc rất nhiều vào thế giới quan mỗi người. Tuy nhiên, có một cấu trúc cơ bản giúp xây dựng câu chuyện như sau:

1. Mở đầu, các bạn nên gợi mở để độc giả (hoặc thính giả) biết câu chuyện có gì hay để họ tiếp tục theo dõi. Tốt nhất là nắm bắt những biến động thời sự mới nhất, những sự kiện đang chiếm nhiều sự chú ý của cộng đồng.

2. Nhân vật (character) nên có tên và vài đặc điểm cụ thể khác như ngoại hình, tuổi tác, nghề nghiệp… Lý tưởng nhất là có những đặc điểm của khách hàng mục tiêu (buyer’s persona). Bạn có thể nhớ lại những khách hàng mà bạn đã từng phục vụ (hoặc thảo luận với team Marketing). Sau đó, hãy mang những đặc điểm ấy “cấy” cho nhân vật trong câu chuyện của bạn và cố gắng khiến chúng tự nhiên, phù hợp với mạch truyện.

3. Bối cảnh (context) chính là lúc mà nhân vật của chúng ta sẽ gặp các chướng ngại vật sau đó. Đây có thể là tình huống lúc nhân vật đi làm, đi chơi, đi du lịch và gặp gỡ một nhân vật khác, hoặc một tình huống dẫn dắt nào đó.

4. Biến cố (conflict) là yếu tố xuất hiện bất ngờ trong câu chuyện, khiến nhân vật phải đối mặt, vượt qua, và sau đó là thay đổi (tương tự như cấu trúc thắt – mở nút trong các truyện ngắn văn học). Tây Du Ký (Ngô Thừa Ân) trở thành câu chuyện kinh điển vì 81 kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải vượt qua. Có thể nói, biến cố càng lớn thì sự vượt qua của nhân vật càng đáng nhớ.

5. Phần kết, cần kết nối các USP (Unique Selling Proposition – ưu điểm) sản phẩm với nhu cầu khách hàng. Tức là, tôi đặt ra một tiền giả định nếu nhân vật sử dụng sản phẩm trước đó thì đã không gặp những rủi ro như vừa kể. Và những người đọc câu chuyện này, sẽ đánh giá cao các USP hơn một bài chào hàng bình thường. Đồng thời, để làm tăng hiệu quả cho câu chuyện, tôi khẽ tạo cú xoắn (twist). Nghĩa là kết nối qua sản phẩm một cách bất ngờ, và có hơi trái khoáy. Khiến người đọc ngạc nhiên và cười vui vẻ.

Kết

Nếu kinh doanh là một cái biển lớn mà con cá nào cũng (đang) lao vào, thậm chí là phải xâu xé lẫn nhau để sinh tồn. Tôi cho rằng, nghệ thuật kể chuyện có thể được xem như là một loại “vũ khí” đắc lực giúp bạn trở nên đáng gờm hơn rất nhiều.