Hãy bình tĩnh, đừng cố gắng với khái niệm “vượt qua” như bạn luôn làm trước đây. Người bệnh cần xây dựng một chương trình tập luyện đường dài, và đi bộ là hình thức phù hợp với hầu hết trường hợp.
Tập thế nào cho phù hợp sau khi đã mắc COVID-19? Và đây là tư vấn của bác sĩ Bùi Thị Bốn – trưởng khoa vật lý trị liệu Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn và giới y khoa thế giới.
Tập luyện tùy giai đoạn
“COVID-19 làm cho phổi bị viêm, xơ hóa nên chức năng hô hấp và chức năng khác bị giảm đi dẫn đến việc thiếu oxy. Đây là một trong những lý do sau khi được xác định khỏi bệnh bằng các xét nghiệm test nhanh, PCR SARS-CoV-2 âm tính nhưng bệnh nhân vẫn cảm thấy khó thở dẫn đến mệt mỏi, ảnh hưởng đến cả khả năng vận động, sinh hoạt thường ngày.
Có những bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, tức ngực, lười ăn uống, không muốn vận động.
Những bệnh nhân này được gọi mắc hội chứng “COVID kéo dài” với tỉ lệ trên 10% các trường hợp mắc COVID. Vì vậy, việc tập vật lý trị liệu sau khi bệnh nhân nhiễm COVID hết sức quan trọng. Việc tập luyện bao gồm tập tăng cường thể lực và tập hô hấp để phổi được phục hồi, gia tăng khả năng gắng sức, gia tăng chất lượng cuộc sống sau COVID” – bác sĩ Bốn cho biết.
Theo bác sĩ Bốn, việc tập luyện để phòng chống COVID-19 tạm chia thành 5 giai đoạn: tiền F0, F0 nhẹ, F0 thở oxy/HFNC, F0 thở máy và sau khi F0 xuất viện. Ở đây được nhấn mạnh là việc tập cho bệnh nhân sau khi xuất viện.
“Đầu tiên phải đánh giá được tình trạng bệnh nhân. Bệnh nhân có diễn tiến bệnh càng nặng như sau thở HFNC hay thở máy thì việc tập luyện sẽ khó khăn, cần bài bản và kiên trì hơn.
Có nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh không thể vận động được, cơ lực yếu, chán ăn, mệt mỏi về mặt tâm trí không thể tập trung được, rơi vào trạng thái thụ động, không trở lại với cuộc sống bình thường như trước kia được. Vì vậy cần kiên nhẫn trợ giúp tập bệnh nhân tập thở, tập vận động thể lực tùy vào sức của từng bệnh nhân.
Mọi trường hợp đều chú ý tránh tình trạng gắng sức quá nhiều. Việc chọn bài tập phải phù hợp thể trạng cơ thể hoặc tiền sử bệnh, chấn thương từ trước đó. Ví dụ như các bệnh nhân cao huyết áp chú ý cẩn thận với các bài tập tay và chọn tập phần chân nhiều hơn.
Thực ra căn bệnh vẫn còn khá mới, chưa có những nghiên cứu khoa học nào cụ thể. Các cách tập hồi phục trên thế giới dựa trên những bài tập hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hay hen phế quản… Chúng tôi cũng áp dụng theo đó và thấy có những kết quả rất tích cực” – bác sĩ Bốn nói.
Cẩn thận trong việc tập luyện
Chúng ta đã nghe được nhiều câu chuyện về sự hồi phục phi thường của các ngôi sao thể thao sau khi mắc COVID-19. Nhiều cầu thủ ở châu Âu thậm chí ra sân thi đấu chỉ vài ngày sau khi mắc bệnh. Nhưng không phải vì vậy mà những người tập luyện thể thao thường xuyên hoặc chuyên nghiệp có thể chủ quan.
Bác sĩ Marie Schaefer của Bệnh viện Cleveland (Mỹ) đưa ra khuyến cáo về thời hạn 10 ngày tuyệt đối không tập thể thao sau khi dương tính với COVID-19. “Nếu không có triệu chứng, thời hạn 10 ngày sẽ được tính từ khi bạn có kết quả xét nghiệm dương tính. Còn nếu có triệu chứng và khá nặng, bạn nên được bác sĩ đánh giá tình hình trước khi tập luyện trở lại”.
Theo bác sĩ Schaefer, việc tập thể thao trở lại nên được thẩm định kỹ càng với những người đã mắc COVID vì nguy cơ viêm cơ tim. Vì vậy, việc tập thể thao cần phải kỹ càng để đề phòng các rủi ro.
Bác sĩ Schaefer khuyên các VĐV đã mắc COVID nên dừng ngay việc tập luyện nếu cảm thấy một trong các triệu chứng đau ngực, tim đập nhanh, cảm thấy lâng lâng, chóng mặt, khó thở, sưng ở tứ chi…
Các bài tập đơn giản
Bác sĩ Bùi Thị Bốn đưa ra một số ví dụ cụ thể cho việc tập luyện trong quá trình hồi phục sau khi mắc COVID-19, qua một số bài tập đơn giản như sau:
* Tập gia tăng thể lực: Đi bộ nhẹ nhàng, đứng lên ngồi xuống, tập với tạ hay vật cầm tay có trọng lượng từ 0,5 – 2kg… tùy sức bệnh nhân.
* Thở mím môi, thở cơ hoành, tập mạnh cơ hô hấp, thở ngực kết hợp tay…
* Hít sâu vừa phải – Giữ hơi thở 3-5 giây – Thở ra nhẹ nhàng thả lỏng.
Các phương pháp thở
* Phương pháp thở chúm môi như sau: Mím môi và hít vào bằng mũi đếm 2 nhịp, giữ 3-5 giây (nếu không khó thở sau khi hít vào), sau đó chúm môi như thổi sáo và thở ra từ từ bằng miệng.
* Đối với phương pháp thở kết hợp tay, người bệnh đưa tay lên mở rộng lồng ngực kèm hít vào. Có thể giữ hơi thở lại từ 3-5 giây, sau đó đưa tay xuống kèm thở ra bằng phương pháp chúm môi.
Xong các bài tập thở đến vận động chân tay, đi lại, đứng lên ngồi xuống như squat…
- Trường Sơn huyền thoại ngày trở lại 04.2021: Hành trình đạp xe trên cung đường Trường Sơn ( HCM- Đà Nẵng) Ngày 11
- Thử trải nghiệm đổi sang xe đạp đi làm để giảm béo, đỡ tiền xăng và kỷ niệm tuổi thơ “có tiền cũng chẳng mua lại được”
- Nâng cao kỹ thuật đạp xe với 5 mẹo nhỏ sau đây – Bạn cần thử ngay để đạp xe hiệu quả!
- Nghệ thuật kể chuyện trong kinh doanh
- Thầy giáo ‘lạ đời’ thích đạp xe xuyên Việt làm từ thiện