5 sai lầm khiến bạn không thể đạp dài và nhanh
Ngày càng có nhiều người mới tập đạp xe rất quan tâm đến việc làm thế nào để có thể đủ sức đạp những đoạn đường dài và quan trọng là đạp nhanh hơn. Các cự ly có thể dao động từ 40km (1 vòng từ cầu Nhật Tân lên sân bay Nội Bài), 90km (tương đương chặng đạp xe trong một cuộc thi Ironman 70.3) hay 160km (còn gọi là Century – 100 dặm). Trong video này, Đạp xe 360 sẽ đưa ra thảo luận một vài sai sót các bạn mới tập thường mắc phải và cách giải quyết để bạn có thể đạp dài, nhanh và tự tin hơn. Hãy cùng theo dõi nhé!
Sai lầm 1: Không Quan Tâm Đến Bike Fit
Do thói quen “mua xe và phóng lên đạp ngay”, một trong những lỗi quan trọng nhất mà các newbie và thậm chí người đạp xe lâu năm thường mắc phải là không làm căn chỉnh xe đạp (bike fit) đến nơi đến chốn khi mua xe.
Xe fit tệ sẽ khiến bạn đau mỏi đến mức không thể ngồi một cách ngay ngắn để đạp được (thường là đau lưng, vai hoặc cổ). Điều đó sẽ khiến bạn liên tục lắc lư thay đổi tư thế nhằm giảm bớt cơn đau. Tuy nhiên việc này chỉ làm bạn dễ chấn thương, từ đó không thể đạp dài và nhanh được. Giá tiền một gói bike fit có thể không quá cao (ít ra là so với tiền mua xe), nằm trong khoảng 2.000.000-3.000.000 VNĐ. Nếu bạn vẫn do dự bỏ thêm vài triệu để căn chỉnh xe, các bạn newbie khi đi mua xe có thể yêu cầu cửa hàng bán xe giúp căn chỉnh xe cơ bản để đảm bảo tư thế ngồi thoải mái, không quá rướn, yên không quá cao v.v… Cửa hàng xe thường không muốn giảm giá bán nhưng đổi lại sẽ rất vui vẻ tặng bạn các gói dịch vụ miễn phí. Bạn cũng có thể yêu cầu đạp thử trên trainer (hay nhiều người gọi là ru-lô) khoảng 20 đến 30 phút để kiểm nghiệm vị trí được căn chỉnh đã hoàn toàn phù hợp hay chưa.
Một chuyên gia bike fit sẽ cho bạn thử nhiều kiểu ngồi và đo lực đạp cũng như phân tích sự thoải mái của bạn dựa trên những kiểu ngồi khác nhau. Bạn nên lựa chọn tư thế giúp bạn thoải mái nhất, mặc dù tư thế này có thể không đẹp, nhìn không “hổ báo” như các VĐV chuyên nghiệp. Nếu bạn cố gắng bắt chước tư thế của các VĐV chuyên nghiệp, nhiều khả năng lưng của bạn sẽ đau sau hơn 2 giờ đạp và tự động tốc độ của bạn sẽ giảm. Đơn giản vì họ dành ra 20-40 giờ tập luyện mỗi tuần (chưa tính thời gian yoga, vật lý trị liệu), còn phần lớn chúng ta dành 35-40 giờ mỗi tuần ngồi trước máy tính ở văn phòng.
Sai lầm 2: Chỉ Quan Tâm Đến Tốc Độ
Khi đạp xe, ai cũng thích thú khi nhìn vào đồng hồ chỉ số tốc độ ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, quá quan tâm đến tốc độ là một cái bẫy chết người đối với các bạn newbie, đặc biệt khi bạn muốn đạp dài. Đơn giản vì tốc độ luôn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (gió, nhiệt độ) và đường (dốc, tình trạng mặt đường v.v..). Bạn có thể đạp tốc độ 35kmh trên cung đường T2 mùa mát, nhưng khi đạp ở Đà Nẵng dưới trời nắng nóng có thể tốc độ chỉ còn 30kmh. Một phần nguyên nhân là vì cung T2 một chiều hơi lên dốc nhưng thuận gió, và chiều còn lại thì ngược gió một chút nhưng xuống dốc, những yếu tố này làm tốc độ đạp của bạn nhanh hơn. Cung đường Phạm Văn Đồng ở TP Hồ Chí Minh cũng có đặc điểm giúp tốc độ của bạn cao hơn so với công suất đạp (power) bình thường.
Thay vì tốc độ, bạn nên quan tâm đến những chỉ số khác như nhịp tim, lực đạp (power). Khi bạn mới tập đạp xe và chưa có đủ điều kiện nâng cấp, theo dõi nhịp tim là một những cách tập luyện hợp lí bởi nó cho bạn biết mình có đang cố gắng quá sức không. Đối với newbie, để đạp những cung đường dài (hơn 70km), tim bạn nên ở khoảng zone 2, đầu zone 3 (tầm 65% tới 75% của mức HR tối đa, phần lớn rơi vào khoảng 130-145 nhịp/phút), tuy nhiên chỉ số này có thể khác biệt tùy vào thể chất của mỗi người. Những ai có nền tảng tập luyện lâu năm thường sẽ có nhịp tim thấp hơn người ít luyện tập.
Xem thêm: