Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước đang lên kế hoạch đón học sinh trở lại trường. Phụ huynh cần làm gì để chuẩn bị tâm lí cho trẻ đến trường sau thời gian dài học trực tuyến?
Chuẩn bị tâm lí vững vàng
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, sau thời gian dài học trực tuyến, trẻ sẽ có những thay đổi về mặt tâm sinh lí, tính cách, thói quen cũng như hành vi ứng xử khiến cha mẹ không khỏi lo lắng.
“Những thay đổi của con trẻ có thể tích cực, hoặc tiêu cực nhưng không vì thế mà cha mẹ quát mắng, gây áp lực lên con. Thay vào đó, hãy gần gũi, chia sẻ và trò chuyện cùng con để hiểu con, đưa ra định hướng để giúp con dần thay đổi và biết cách cư xử phù hợp hơn với bạn bè, thầy cô khi quay trở lại trường học” – bà Thoa nhận định.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho rằng, ở lứa tuổi THCS, THPT, việc trở lại trường học có phần dễ dàng hơn vì trước đó, các em đã có thời gian dài học trực tiếp, vui chơi cùng thầy cô, bạn bè. Quan trọng là cha mẹ biết cách quản lí giờ giấc học tập của con để con không bị xao nhãng bởi các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại,… Đồng thời, trò chuyện, gần gũi để con chia sẻ những khó khăn gặp phải khi quay trở lại lớp học và cùng con tháo gỡ những vướng mắc đó.
Riêng với trẻ tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, trẻ đã quen với việc học ở nhà, có bố mẹ kèm cặp thì tới đây, khi phải đến trường học, xung quanh chỉ có thầy cô, bạn bè chắc chắn các con sẽ có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn và bản thân các bậc phụ huynh cũng không tránh khỏi áp lực tâm lí.
“Với trẻ nhỏ, con có thể quấy khóc, không nghe lời, có những hành vi mất kiểm soát,… trong những ngày đầu lên lớp và đấy là điều hoàn toàn bình thường. Cần có thời gian để con làm quen với môi trường mới, cách học mới sau thời gian dài được bố mẹ bao bọc, kèm cặp.
Cha mẹ cần chấp nhận và dần dần mỗi hôm một chút, trò chuyện, thủ thỉ với con về việc đến lớp con được làm gì, gặp lại bạn bè thầy cô, những việc con thích làm ở trường là gì…. hướng sự chú ý của con vào những việc con hứng thú nhất, tạo cảm giác con được thầy cô, bạn bè yêu thương.
Khi con đã yêu thích đến trường thì việc điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen để các con bắt nhịp với môi trường mới kỉ cương, nề nếp hơn hoàn toàn không phải là vấn đề trở ngại” – PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ.
Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh
Bên cạnh những vấn đề liên quan đến tâm lí của trẻ khi quay lại trường học, bà Thoa cho rằng, khó khăn lớn nhất đối các bậc phụ huynh và con trẻ là việc thay đổi để thích nghi với trạng thái vừa học tập, vừa chống dịch.
“Phụ huynh băn khoăn liệu con em mình đến trường có an toàn hay không không trong khi dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây chỉ là nỗi lo tâm lí. Bởi hiện nay, dù trường học chưa mở cửa, con ở nhà học online nhưng bố mẹ đi làm, tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau thì vẫn có nguy cơ lây lan dịch bệnh sang con.
Vậy nên, nếu đã xác định sống chung với dịch bệnh cần có phương án mở cửa trường học, đón học sinh tới lớp. Quan trọng nhất là bản thân mỗi bậc phụ huynh cần trang bị ý thức phòng, chống dịch để hạn chế tối đa khả năng lây lan dịch bệnh” – PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa nói.
Bà Thoa nhấn mạnh, thay đổi để vừa thích nghi với việc vừa học tập, vừa phòng chống dịch là điều tất yếu. Song, cha mẹ không nên trầm trọng hóa vấn đề, tạo áp lực lên con trẻ. Hãy nhẹ nhàng trao đổi với con để con hiểu đó là những kỹ năng, cách thức chúng ta bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh. Từ đó, giúp con hình thành thói quen như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện 5K về phòng chống dịch,….
Bộ Y tế đã đưa ra 7 biện pháp các em học sinh cần làm hằng ngày tại trường học để phòng tránh mắc COVID-19.
Để chuẩn bị một năm hoc mới, các trẻ em đến trường an toàn, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo những biện pháp phòng, chống dịch cần làm, như: Những việc cần làm khi trẻ bị sốt, ho, khó thở tại trường học; những việc học sinh cần làm tại trường, tại nhà hằng ngày để phòng, tránh mắc COVID-19; hướng dẫn vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học…
Đặc biệt, Bộ Y tế đưa ra 7 biện pháp học sinh cần làm hằng ngày tại trường học để phòng tránh mắc COVID-19. Cụ thể:
1. Rửa tay với nước sạch và xà phòng (hoặc dung dịch rửa tay khô) thường xuyên vào các thời điểm: Trước khi vào lớp; trước và sau khi ăn; sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ; sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn.
2. Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp). Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa tay sạch.
3. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
4. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân, như: Cốc, bình nước, khăn mặt, khăn lau tay, gối, chăn…
5. Không khạc, nhổ bừa bãi.
6. Bỏ rác đúng nơi quy định.
7. Nếu bản thân hoặc thấy học sinh khác có sốt, ho, đau họng, khó thở thì báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm.