0912268300

Hà Lan – thiên đường của xe đạp

Hà Lan nổi tiếng là thiên đường dành cho người đi xe đạp, nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch ưu tiên cho phương tiện giao thông này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đến Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm nay cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đạp xe qua nhiều tuyến phố của Hà Nội. Loại xe đạp mà hai lãnh đạo sử dụng thuộc dự án Xe đạp đô thị của Hà Nội, nhằm giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện công cộng, thay đổi thói quen đi lại để góp phần bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Mark Rutte nổi tiếng là người đam mê đạp xe và người dân nước này thường bắt gặp ông sử dụng phương tiện này để di chuyển từ dinh thự đến văn phòng. Hình ảnh người dân đạp xe đi làm không phải hiếm gặp ở Hà Lan, quốc gia đã trở thành hình mẫu hàng đầu thế giới về sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường này.

Hà Lan có số lượng xe đạp nhiều hơn dân số. Năm 2018, hơn 1/4 tổng số lượt di chuyển ở Hà Lan được thực hiện bằng xe đạp, cao hơn đáng kể so với các nước ở châu Âu như Anh, Pháp và Ireland, nơi tỷ lệ này chưa đầy 5%.

Đối với những hành trình dưới 7,5 km, tỷ lệ này ở Hà Lan tăng lên hơn 1/3. Giới chuyên gia cho hay Hà Lan có nhiều yếu tố để trở thành “thiên đường” của 23 triệu xe đạp và đường sá được thiết kế để phù hợp với loại phương tiện này.

Vào những năm 1970, các thành phố Hà Lan thường xuyên tắc nghẽn vì ôtô, khi số người sở hữu xe hơi tăng nhanh chóng, trong khi đường phố được xây dựng từ thời Trung Cổ không phù hợp với ôtô, khiến các vụ tai nạn giao thông chết người diễn ra thường xuyên. Năm 1971, hơn 3.000 người chết do tai nạn giao thông ở Hà Lan, trong đó có gần 500 trẻ em.

Vấn nạn này làm dấy lên phong trào Stop de Kindermoord (Ngăn ngừa cái chết ở trẻ em). Phản ứng dữ dội của người dân diễn ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi OPEC cắt giảm sản lượng dầu và cấm xuất khẩu sang một số quốc gia.

Hai sự kiện đủ để thuyết phục chính phủ Hà Lan từ bỏ kế hoạch quy hoạch đô thị tập trung vào ôtô, thay thế bằng xe đạp. Ngày nay, Hà Lan có hơn 35.000 km đường dành cho xe đạp trên tổng số 140.000 km đường bộ của đất nước.

Không dừng ở đó, chính quyền còn phân loại đường ôtô và xe đạp, trong đó xe đạp được ưu tiên. Trên nhiều con phố, người ta dễ dàng nhìn thấy những biển báo đường dành riêng cho xe đạp.

Các giao lộ ở Hà Lan cũng được bố trí để ưu tiên cho người đi xe đạp và đi bộ. Ở đa số các khu vực đô thị, xe đạp được ưu tiên rẽ phải, còn ôtô phải dừng lại. Nhiều nút giao thông được thiết kế lại nhằm giảm rủi ro cho người đi xe đạp.

Ngoài thiết kế đường dành riêng cho xe đạp, chính quyền cũng đầu tư vào bãi đỗ xe. Năm 2019, thành phố Utrecht là nơi có bãi đỗ xe đạp nhiều tầng lớn nhất thế giới, đủ chỗ cho 12.500 xe. Hà Lan cũng thiết kế các bãi đỗ xe đạp gần ga tàu, bến xe buýt, giúp chuyển đổi các hình thức vận tải suôn sẻ hơn. Một số chuyến tàu thậm chí có toa dành riêng cho xe đạp.

Những nỗ lực của chính phủ Hà Lan đem tới nhiều kết quả rõ rệt. Nghiên cứu năm 2016 ở Anh cho thấy hình thức di chuyển này không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe cho người đạp xe, mà còn giúp tăng năng suất lao động, tác động tích cực đến xã hội, giảm chi phí y tế cho nhà nước.

Nghiên cứu đăng trên website của Hiệp hội Y tế Công cộng Mỹ năm 2015 cho thấy hoạt động đi xe đạp đã ngăn ngừa khoảng 6.500 ca tử vong mỗi năm và tuổi thọ trung bình của người Hà Lan tăng thêm nửa năm nhờ hoạt động này. Những lợi ích y tế của việc đạp xe giúp GDP Hà Lan tăng thêm hơn 3%.

Báo cáo của Decisio hồi tháng 5/2022 cho biết việc sản xuất, bán hàng, sửa chữa và cho thuê xe đạp tạo ra 13.000 việc làm toàn thời gian.

Cuối tháng 8/2022, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Thủy lợi Hà Lan đã trình quốc hội kế hoạch thu hút thêm 100.000 người đi làm bằng xe đạp trong 2,5 năm tới. Cơ quan này cũng cân nhắc các kế hoạch cung cấp xe đạp cho hơn 200.000 trẻ em và thanh thiếu niên không đủ tiền mua.

Hồng Hạnh (Theo Euro News)

Liên hệ qua Zalo