Bạn tham gia một bài giảng, một buổi hội thảo, một cuộc họp,…
Trong các buổi ấy, có những thông tin quan trọng, những điều thú vị mà bạn cần phải nhớ.
Thế nhưng, ngay ngày hôm sau đó, bạn lại quên sạch.
Bạn không biết làm thế nào để có lại những thông tin đó.
Thì đây có lẽ chính là lúc bạn cần phải có kỹ năng ghi chép.
Và hơn thế nữa, bạn cần phải ghi chép sao cho hiệu quả nhất có thể.
Nội dung chính
Kỹ Năng Ghi Chép Là Gì?
Nói một cách đơn giản, ghi chép là một cách ghi lại những thông tin quan trọng, những ý chính, trọng yếu mà bạn sẽ cần phải sử dụng sau này.
Đây là một kỹ năng mà hầu như ai cũng cần phải có.
Là một học sinh, sinh viên, bạn sẽ cần ghi chép lại những bài giảng trên lớp.
Là một người đã đi làm, bạn cũng cần phải ghi chép lại những ý chính trong các buổi họp.
Tại Sao Ghi Chép Lại Quan Trọng?
Giúp Bạn Nhớ Những Thứ Cần Thiết
Bạn tự hào về khả năng ghi nhớ tuyệt vời của mình?
Bạn tự tin bạn có thể nhớ hết mọi thứ mà không cần phải ghi chép?
Hmm…
Bạn có chắc là vậy không?
Bạn có thể nhớ được những thông tin tổng quan nhưng bạn sẽ không thể nhớ hết mọi thứ.
Sẽ có những chi tiết quan trọng cần nhớ nhưng nhiều khi bạn lại bỏ qua.
Vì chúng liên quan trực tiếp tới bạn, ảnh hưởng nhiều tới công việc của bạn.
Đó là lý do vì sao bạn cần phải ghi chép.
Hệ Thống Lại Kiến Thức
Trong quá trình ghi chép, bạn sẽ biết được thông tin gì là quan trọng, cái gì cần phải ghi nhớ.
Bạn có thể bổ sung thêm những thông tin mà bạn biết cho ý vừa ghi, tổ chức lại cấu trúc thông tin để giúp cho việc xem lại dễ dàng hơn.
Đây sẽ là một nguồn tham khảo cần thiết sau này nếu bạn cần thông tin phục vụ cho công việc và học tập.
Chủ Động Và Tập Trung Hơn
Có phải lúc nào bạn cũng chăm chú nghe giảng?
Hay bạn sẽ để đầu óc được bay bổng ở những kỳ nghỉ, những cuộc vui cùng bạn bè?
Đã bao giờ, trong một cuộc họp, mà bạn không bị sao lãng bởi chiếc điện thoại chưa?
Một trong những lý do bạn cần phải ghi chép là nó sẽ giúp bạn tập trung hơn.
Bởi vì,…
Khi bạn ghi chép…
Bạn sẽ chủ động lắng nghe người nói một cách cẩn thận.
Bạn sẽ để ý tới từng câu nói, điệu bộ, cử chỉ.
Bạn sẽ biết được điều gì quan trọng, thông tin nào không được bỏ qua.
Qua đó, bạn sẽ quyết định những ý nào cần phải ghi lại cẩn thận.
Cần Làm Gì Để Ghi Chép Hiệu Quả?
Phải Có Sự Chuẩn Bị Trước
Làm gì cũng vậy, bạn cần phải có sự chuẩn bị thì việc bạn sắp làm sẽ hiệu quả hơn.
Nếu còn đi học, việc chuẩn bị bài trước ở nhà sẽ giúp bạn biết được khái quát những gì sắp học.
Bạn sẽ biết được điều gì mình chưa hiểu để nhờ giảng viên nói rõ lại.
Trong các buổi họp cũng vậy.
Bạn sẽ biết được buổi họp sẽ nói về điều gì, thông tin nào là quan trọng.
Sẽ có những thắc mắc mà bạn thấy chưa rõ ràng và cần xác nhận lại.
Việc chuẩn bị trước sẽ giúp bạn biết được cái gì cần ghi chép, thông tin nào chưa rõ để hỏi đúng câu hỏi.
Hạn Chế Những Thứ Gây Mất Tập Trung
Điện thoại, laptop,… hay bất cứ cái gì tương tự là những thứ làm bạn không chú ý tới bài giảng hay buổi họp.
Bạn sẽ khó cưỡng lại được những điều cám dỗ mà chúng mang lại.
Những tin nóng trên mạng xã hội, cuộc tán gẫu cùng bạn bè hay những games thú vị,…
Bởi vậy, hãy tắt điện thoại, không đem laptop vào phòng họp nếu như không cần thiết.
Làm được điều đó, bạn sẽ không bỏ lỡ những thông tin quan trọng.
Ghi Chép Có Chọn Lọc
Sẽ có rất nhiều thông tin được truyền đạt.
Nhưng không phải tất cả trong số chúng bạn đều cần ghi chép lại.
Hãy ghi chép một cách chủ động, đừng ghi chép toàn bọ những gì bạn nghe.
Bạn cần chắc lọc thông tin nào là thiết yếu, tóm tắt những ý chính, những điều quan trọng.
Tổ Chức Lại Thông Tin
Bạn không nhất thiết phải ghi chép lại thông tin giống như bạn tiếp nhận.
Hãy sắp xếp chúng có hệ thống, có cấu trúc theo cách riêng của bạn.
Nếu cần xem lại, bạn cũng sẽ dễ dàng và nhanh chóng tìm được thông tin bạn cần hơn.
Các Phương Pháp Ghi Chép Phổ Biến Cần Biết
Bản Đồ Tư Duy (Mind Map)
Bây giờ tôi sẽ đưa cho bạn hai tờ giấy.
Một tờ giấy sẽ ghi một đống các định nghĩa, toàn chữ.
Tờ giấy còn lại ngoài chữ ra sẽ có những hình ảnh, một con bò đang bay chẳng hạn.
Sau một thời gian, bạn nghĩ bạn sẽ nhớ thông tin trong tờ giấy nào hơn?
Để tôi đoán nhé.
Chắc chắn là tờ giấy thứ hai rồi phải không?
Đó cũng là cách bộ não của bạn hoạt động.
Nó có xu hướng nhớ hình ảnh lâu hơn là chữ và những con số.
Và vẽ bản đồ tư duy là một phương pháp ghi chép thú vị ứng dụng điều này.
Vậy làm thế nào để ghi chép bằng bản đồ tư duy?
Cùng tìm hiểu xem nhé.
Bước 1: Chuẩn Bị Đồ Nghề
Bạn sẽ nghĩ giấy và bút là hiển nhiên rồi đúng không?
Nghe thì có vẻ đầy đủ rồi đấy.
Nhưng với kỹ thuật vẽ mind map, bạn sẽ cần nhiều bút với nhiều màu sắc khác nhau đấy.
Vậy những thứ bạn cần chuẩn bị bao gồm: giấy (kích thước tùy vào chủ đề nhưng thông thường là A4) và những cây bút với nhiều màu sắc khác nhau.
Bước 2: Vẽ Ý Chính (Central Idea) Ở Chính Giữa Trang Giấy
Bạn sẽ bắt đầu việc ghi chép của mình bằng cách thể hiện ý chính ở chính giữa trang giấy.
Bạn có thể ghi hoặc vẽ những tốt nhất là bạn nên vẽ hoặc dùng một hình ảnh gì đó.
Tại sao?
Vì như đã nói ở trên, não của bạn sẽ có xu hướng nhớ hình ảnh hơn.
Một hình ảnh thú vị sẽ đáng giá bằng cả ngàn chữ, kích thích não bộ, giúp bạn gợi nhớ lâu hơn rất nhiều.
Bước 3: Phát Triển Các Ý Phụ Từ Ý Chính
Từ chủ đề chính ở trên, hãy ghi thêm các ý phụ xung quanh để bổ sung cho ý chính đó.
Hãy ghi chúng bằng các từ khóa ngắn gọn, súc tích, có ý nghĩa rõ ràng.
Cũng như ý chính, hãy vẽ thêm hình ảnh để mô tả các ý đó.
Chú ý, bạn nên dùng nhiều màu sắc khi vẽ để hình ảnh thú vị hơn, giúp cho việc ghi nhớ lâu.
Bạn cần liên kết các ý phụ với ý chính bằng cách vẽ các nhánh.
Bạn nên vẽ các nhánh có dạng cong hơn là thẳng.
Việc này nhằm tránh gây nhàm chán cho bộ não, giúp cho việc ghi nhớ trở nên hấp dẫn hơn.
Bước 4: Tiếp Tục Phát Triển Ý Tưởng Từ Các Ý Phụ
Với mỗi ý phụ ở trên, bạn cũng sẽ có nhiều ý tưởng để hỗ trợ cho chúng.
Bạn cần lặp lại những việc đã làm ở bước 3 cho các chủ đề phụ.
Cần nhắc lại là bạn nên sử dụng càng nhiều hình ảnh, màu sắc càng tốt.
Kỹ Thuật Ghi Chép Cornell
Được phát minh bởi giáo sư Walter Pauk vào năm 1950, đây là một phương pháp ghi chép đã được chứng minh về độ hiệu quả.
Bạn có thể sử dụng phương pháp này để phục vụ cho học tập cũng như công việc hằng ngày.
Dưới đây là cách áp dụng:
Bước 1: Chuẩn Bị Dụng Cụ
Tất nhiên là bạn cần bút và giấy rồi.
Bước 2: Tạo Bố Cục
Hãy chia bố cục của trang giấy thành 4 phần khác nhau như bên dưới:
Mỗi phần trong đó sẽ có công dụng khác nhau:
Phần đầu tiên dùng để ghi chủ đề cùng một số thông tin khác như ngày, tháng, tác giả,…
Cột bên trái sẽ dành cho những câu hỏi, những ý chính.
Cột bên phải sẽ trả lời cho những câu hỏi, giảng giải chi tiết cho những ý ở cột bên trái.
Phần ở phía cuối sẽ dành cho việc tóm tắt.
Bước 3: Ghi Chép Theo Bố Cục Ở Bước 2
Khi tham gia một bài giảng, một cuộc họp,…
Bất cứ khi nào bạn nghe một ý quan trọng, bạn cần ghi nó vào cột bên trái.
Những câu trả lời, những chi tiết bổ sung cho ý chính đó bạn sẽ ghi vào phần cột bên phải.
Sau khi hoàn thành, bạn hãy xem lại phần ghi chú, suy nghĩ rồi tóm tắt nó và ghi vào phần cuối cùng của trang giấy.
Chính sự suy nghĩ sau khi xem lại sẽ khiến bạn hiểu rõ nội dung hơn đồng thời giúp cho việc ghi nhớ được lâu hơn.
Tạm Kết
Bạn hãy rèn luyện kỹ năng ghi chép hằng ngày, bất cứ khi nào có thể.
Nên nhớ rằng, trí nhớ bạn có thể tuyệt vời, nhưng không phải lúc nào đầu óc bạn cũng tỉnh táo.
Vì thế, ghi chép sẽ giúp bạn không bỏ sót bất cứ thông tin gì. Đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo cho bạn những lúc cần thiết.
Bạn có bí quyết gì để ghi chép một cách hiệu quả không? Hãy cùng thảo luận bên dưới nhé.